0918.924.388

Cách phân tích báo cáo tài chính công ty đơn giản, hiệu quả

  22/06/2018

Để có thể đánh giá khái quát tình hình tài chính của công ty thông qua các chỉ số tài chính, ta có thể tiến hành phân tích báo cáo tài chính bằng nhiều cách.

Có thể sử dụng nhiều cách phân tích báo cáo tài chính khác nhau

Phân tích báo cáo tài chính công ty theo dạng so sánh

Các báo cáo tài chính xếp thành dạng so sánh sẽ chỉ rõ các quá trình vận động, các xu thế, qua đó có thể cung cấp cho người sử dụng báo cáo những đầu mối có giá trị để dự kiến các kết quả hoạt động tài chính trong tương lai

Phân tích báo cáo tài chính theo chiều ngang

Công việc này chính là so sánh giữa số cuối kỳ và số đầu kỳ của từng chi tiết, bằng cả số tuyệt đối và số tương đối, giúp các nhà phân tích nắm được mức độ biến động tăng, giảm của từng chỉ tiêu và bản chất của các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng tới quá trình sinh lợi và trạng thái tài chính của công ty, qua đó có thể rút được các kết luận cần thiết cho công tác quản lý.

Các công thức cần thiết:

Mức tăng (giảm) = Số cuối kỳ - Số đầu kỳ (của cùng 1 chỉ tiêu)

Tỷ lệ tăng (giảm) = Mức tăng (giảm) / Số đầu kỳ

Ví dụ về phân tích theo chiều ngang qua bảng cân đối kế toán của công ty cổ phần Thanh Hoa, chúng ta có các số liệu như sau:

Qua bảng trên có thể thấy được TSCĐ (nguyêng giá) tăng 650 triệu tương ứng 22,2%, do vậy công ty đã  huy động nguồn vốn từ lợi nhuận không chia 90 triệu, phát hành thêm cổ phiếu thường mới  160 triệu, vay thêm dài hạn 140 triệu, thu hồi các khoản đầu tư dài hạn 140 triệu, trích thêm khấu hao 70 triệu cũng chỉ đáp ứng được 600 triệu, phần còn lại phải chuyển đổi từ TSLĐ (50 triệu).

Phân tích báo cáo tài chính theo chiều dọc

Phân tích theo chiều dọc chính là việc so sánh tỷ trọng của từng chỉ tiêu so sánh với tổng số, giúp các nhà phân tích có cái nhìn tổng thể và có thể cảm nhận được ý nghĩa của biến động xảy ra.

Ví dụ về bảng phân tích tài chính theo chiều dọc thông qua bảng báo cáo thu nhập của công ty cổ phần Thanh Hoa như sau:

Qua bảng trên chúng ta có thể thấy được tỷ trọng của các khoản mục so với doanh thu giữa 2 năm thay đổi nhưng không đáng kể. Giá vốn hàng bán năm 2007 giảm, do vậy lãi gộp tăng thêm 0,48% so với năm 2006. Nhưng do chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, lãi vay đều tăng nên lãi còn lại của công ty giảm 0,03%.

Để có thể biết rõ tình hình tài chính của công ty, ta có thể phân tích các hệ số tài chính đặc trưng, dùng nó làm một trong những căn cứ để hoạch định vấn đề tài chính cho năm tới.

Phân tích báo cáo tài chính qua các chỉ số tài chính đặc trưng

Mỗi một công ty khác nhau có các hệ số tài chính khác nhau, thậm chí một công ty ở những thời điểm khác nhau cũng có các hệ số tài chính không giống nhau. Do đó người ta coi các chỉ số tài chính là những biểu hiện đặc trưng nhất về tình hình tài chính của công ty trong một thời kỳ nhất định.

Các chỉ số tài chính dùng trong phân tích báo cáo tài chính công ty

Phân tích nhóm chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán

Xét về mặt thời gian thì doanh nghiệp có các khoản nợ bao gồm: Nợ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Vấn đề quan tâm hàng đầu của chủ sở hữu và chủ đầu tư hoặc chủ nợ chính là liệu số vốn họ bỏ ra có thể thu hồi lại không? Mức độ rủi ro trong đầu tư là bao nhiêu? Để trả lời câu hỏi đó, các nhà phân tích thường dùng các chỉ tiêu sau:

a/ Hệ số khả năng thanh toán tổng quát

Hệ số thanh toán tổng quát = Tổng tài sản / (Nợ ngắn hạn + Nợ dài hạn)

Trong đó, tổng tài sản bao gồm tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nợ ngắn hạn: Toàn bộ các khoản nợ có thời gian đáo hạn dưới 1 năm.

Nợ dài hạn: Toàn bộ các khoản nợ có thời gian đáo hạn hơn 1 năm.

Hệ số này cho biết mối quan hệ giữa tổng tài sản mà doanh nghiệp đang quản lý với tổng số nợ phải trả. Khi giá trị của hệ số này nhỏ hơn 1 có nghĩa là tổng tài sản < tổng nợ, như vậy có thể thấy được rằng tổng tài sản hiện tại của công ty không đủ để thanh toán các khoản nợ, chứng tỏ rằng công ty mất khả năng thanh toán, gặp khó khăn trong tài chính và có nguy cơ phá sản.

Ngược lại, nếu hệ số này lớn hơn 1, công ty có khả năng thanh toán, nhưng nếu quá cao thì cũng cần phải xem lại vì khi đó việc sử dụng đòn bẩy tài chính của công ty không hiệu quả.

Hệ số thanh toán tổng quát của công ty Thanh Hoa được tính như sau:

Hệ số thanh toán tổng quát đầu năm = 5.530 / 2.680 = 2,06

Hệ số thanh toán tổng quát cuối năm = 6.250 / 3.150 = 1,98

Điều này cho thấy vào thời điểm đầu năm, công ty Thanh Hoa bình quân 1đ nợ phải trả 2,06đ tài sản đảm bảo, còn ở cuối năm chỉ là 1,98đ. Nói cách khác vào thời điểm đầu năm, công ty chỉ cần giải phóng 48,5% tổng tài sản hiện có là đủ thanh toán toàn bộ nợ phải trả. Còn ở cuối năm phải giải phóng 50,4% có nghĩa là hành lang an toàn giảm từ 51,5% xuống còn 49,6% ở cuối năm.

b/ Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn

Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn chính là mối quan hệ giữa tài sản ngắn hạn với các khoản nợ ngắn hạn. Hệ số này cho biết mức độ đảm bảo của tài sản ngắn hạn với nợ ngắn hạn. Do tính chất của nợ ngắn hạn phải thanh toán trong năm nên công ty cần phải dùng những tài sản có khả năng chuyển đổi thành tiền để thanh toán. Như vậy, trong số tổng tài sản mà công ty đang quản lý và sử dụng thì chỉ có TSLĐ là có tính hoán tệ trong vòng một năm.

Hệ số thanh toán nợ ngắn hạn = Tổng tài sản ngắn hạn / Tổng nợ ngắn hạn

Nếu hệ số này < 1 thì công ty rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên không phải hệ số này càng lớn thì càng tốt. Khi xem xét hệ số này cũng cần xét đến ngành nghề kinh doanh. Ví dụ như ở các công ty thương mại có tài sản ngắn hạn thường chiếm tỉ trọng lớn trong tổng tài sản, do đó hệ số này sẽ lớn và ngược lại.

Tại công ty Thanh Hoa:

Hệ số thanh toán nợ ngắn hạn đầu năm = 1.910 / 1.730 = 1,1

Hệ số thanh toán nợ ngắn hạn cuối năm = 1.990 / 2.060 = 0,97

Hệ số này cuối năm là 0,97 có nghĩa là công ty đã sử dụng vốn sai mục đích, đã dùng mất 870 triệu đồng nợ ngắn hạn để đầu tư dài hạn, do vậy nguy cơ mất khả năng thanh toán là hiện thực.

c/ Hệ số khả năng thanh toán nhanh

Đây là thước đo về việc huy động các tài sản có khả năng chuyển đổi ngay thành tiền để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn mà các chủ nợ yêu cầu. Như ta đã biết, chỉ có tài sản ngắn hạn là có khả năng thanh toán cao nhất trong tổng số tài sản, nhưng trong đó khả năng hoán tẹ của vốn vật tư hàng hóa lại thấp, do vậy hệ số khả năng thanh toán nhanh không dựa vào việc bán vật tư hàng hóa và được xác định:

Hệ số thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn – Vốn vật tư hàng hóa) / Tổng nợ ngắn hạn

Hệ số này nhỏ > công ty sẽ bị giảm uy tín với bạn hàng, khó thanh toán nợ và có thể phải bán tài sản với giá bất nợ để thanh toán nợ.

Nếu hệ số này lớn, phản ánh lượng tiền tồn quỹ nhiều, giảm hiệu quả sử dụng vốn. Hệ số này phụ thuộc vào từng ngành nghề kinh doanh.

Với công ty Thanh Hoa,

Hệ số thanh toán nhanh đầu năm = (1910 – 980) / 1.730 = 0,54

Hệ số thanh toán nhanh cuối năm = (1.990 – 960) / 2.060 = 0,50

Hệ số thanh toán nhanh cả đầu năm và cuối năm như vậy là thấp và có thể xuất hiện nợ quá hạn.

d/ Hệ số khả năng thanh toán lãi vay

Đây là tỷ lệ giữa nguồn dùng để trả lãi vay với số lãi vay phải trả. Nguồn dùng để trả lãi vay chính là lợi nhuận trước lãi vay và thuế.

Hệ số thanh toán lãi vay = (Lãi vay phải trả + Lợi nhuận trước thuế) / Lãi vay phải trả

Chỉ tiêu này thể hiện hiệu quả sử dụng vốn vay như thế nào, đưa lại 1 khoản lợi nhuận là bao nhiêu? Có đủ bù đắp lãi vay phải trả không? Mức độ sẵn sàng trả lãi vay của công ty ra sao?

Nếu hệ số này > 1, doanh nghiệp có khả năng thanh toán lãi vay, hoạt động kinh doanh có lãi, sử dụng vốn vay có hiệu quả và ngược lại.

Hệ số thanh toán lãi vay năm 2006 = (584,7+97) / 97 = 7,03 lần

Hệ số thanh toán lãi vay năm 2007 = (609,7 + 116) / 116 = 6,26 lần

Nhóm chỉ tiêu phản ánh cơ cấu tài chính và cơ cấu tài sản

a/ Hệ số nợ

Hệ số này cho biết sử dụng một đồng vốn kinh doanh thì có bao nhiêu đồng vay nợ và được tính bằng công thức

Hệ số nợ = Tổng nợ / Tổng tài sản

Thường thì các chủ nợ thích hệ số nhỏ vì hệ số an toàn cao. Ngược lại các nhà quản lý thích hệ số nợ lớn vì chỉ cần bỏ ra một lượng vốn nhỏ nhưng được sử dụng một lượng tài sản lớn. Thường được các nhà quản lý sử dụng làm đòn bẩy gia tăng lợi nhuận. Hệ số này quá cao, công ty dễ lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

b/ Hệ số vốn chủ sở hữu (tự tài trợ)

Hệ số phản ánh mức độ độc lập hay phụ thuộc của công ty đối với các chủ nợ, khả năng tự tài trợ cho hoạt động kinh doanh của mình. Cũng là thước đo sự góp vốn của cổ đông trong tổng số vốn mà công ty đang quản lý và sủ dụng. Tỷ suất này càng cao càng đảm bảo an toàn cho các món nợ.

Hệ số tự tài trợ = Nguồn vốn chủ sở hữu / Tổng nguồn vốn

Hệ số tự tài trợ = 1 – Hệ số nợ

c/ Cơ cấu tài sản

Cơ cấu tài sản cho ta biết tỷ lệ của tài sản cố định và tài sản lưu động trong tổng số tài sản như thế nào.

Hệ số đầu tư vào TSNH = Tổng tài sản ngắn hạn / Tổng tài sản

Hệ số đầu tư vào TSDH = Tổng tài sản dài hạn / Tổng tài sản

Cơ cấu tài sản = Tổng tài sản ngắn hạn / Tổng tài sản dài hạn

Nhóm chỉ tiêu phản ánh khả năng hoạt động

Hiệu quả sử dụng vốn luôn gắn liền với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Do đó thông qua việc phân tích các chỉ tiêu phản ánh khả năng hoạt động cho biết trình độ sử dụng các nguồn lực đạt kết quả cao nhất với chi phí đầu tư là thấp nhất.

a/ Vòng quay hàng tồn kho

Là số lần mà hàng hóa tồn kho bình quân luân chuyển trong kỳ.

Số vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán / Hàng tồn kho bình quân trong kỳ.

Số ngày một vòng quay hàng tồn kho = 360 ngày / Số vòng quay hàng tồn kho

b/ Vòng quay các khoản phải thu

Phản ánh tốc độ chuyển các khoản phải thu ra tiền mặt. Vòng quay các lớn càng chứng tỏ tốc độ thu hồi các khoản phải thu nhanh, vốn của doanh nghiệp không bị chiếm dụng và không phải đầu tư nhiều vào việc thu hồi chiếm dụng vốn.

Vòng quay các khoản phải thu = Doanh thu thuần / Số dư bình quân các khoản phải thu

Từ vòng quay các khoản phải thu, các nhà phân tích xác định được kỳ thu tiền trung bình, chính là số ngày của một vòng quay các khoản phải thu.

Kỳ thu tiền trung bình = 360 ngày / Vòng quay các khoản phải thu = (Số dư BQ các khoản phải thu) x 360 / Doanh thu thuần

c/ Vòng quay vốn lưu động

Bình quân sử dụng 1 đồng vốn lưu động trong kỳ sẽ tạo ra được bao nhiêu đồng doanh thu thuần, nghĩa là đo lường hiệu quả sử dụng vốn lưu động trong doanh nghiệp.

Vòng quay vốn lưu động = Doanh thu thuần / Vốn lưu động bình quân

Nếu vòng quay vốn lưu động phản ánh số lần luân chuyển vốn lưu động thì kỳ luân chuyển vốn lưu động lại cho biết số ngày thực hiện một vòng quay vốn lưu động.

Kỳ luân chuyển vốn lưu động = 360 ngày / Số vòng quay vốn lưu động

d/ Hiệu suất sử dụng vốn dài hạn (vốn cố định và vốn dài hạn khác)

Hiệu suất sử dụng vốn dài hạn cho biết cứ sử dụng trung bình 1 đồng vốn dài hạn thì tạo ra bao nhiêu đồng doanh thu thuần.

Hiệu suất sử dụng vốn dài hạn = Doanh thu thuần / Vốn dài hạn bình quân

g/ Vòng quay toàn bộ vốn

Chỉ tiêu số này nói lên cứ 1 đồng vốn sử dụng bình quân tạo nên bao nhiêu đồng doanh thu thuần, hay vốn của doanh nghiệp trong kỳ quay được bao nhiêu vòng.

Vòng quay toàn bộ vốn = Doanh thu thuần / Vốn kinh doanh bình quân

Nhóm chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lợi

Với các nhà đầu tư thì nhóm chỉ tiêu này thực sự có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì nó gắn liền với lợi ích kinh tế của họ. Nó là cơ sở để đánh giá kết quả kinh doanh trong một thời kỳ nhất định và là căn cứ để các nhà quản lý đưa ra các quyết định tài chính trong tương lai.

a/ Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần (ROS)

Chỉ tiêu này phản ánh cứ trong một đồng doanh thu thuần mà doanh nghiệp thực hiện trong kỳ sẽ thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế.

ROS = Lợi nhuận thuần / Doanh thu thuần

b/ Tỷ suất sinh lợi kinh tế của tài sản (ROA)

Chỉ tiêu phản ánh sử dụng bình quân 1 đồng tài sản thì tạo ra mấy đồng lợi nhuận trước lãi vay và thuế.

ROA = Lợi nhuận trước lãi vay và thuế / Tổng tài sản bình quân

c/ Tỷ suất sinh lợi trên tổng vốn đầu tư (ROI)

Chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời của đồng đầu tư vốn, phản ánh sử dụng bình quân một đồng vốn đầu tư sẽ tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế.

ROI = Lợi nhuận sau thuế / Vốn kinh doanh bình quân

d/ Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)

Vốn chủ sở hữu bao gồm vốn của cổ đông và vốn cổ phần. Tổng lợi nhuận sau khi trả phần nghĩa vụ với nhà nước, phần còn lại gọi là thu nhập của cổ đông, do vậy chỉ tiêu thu nhập vốn cổ phần cung cấp cách đánh giá về khả năng đảm bảo cho tất cả mọi đối tác góp vốn với công ty.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) = Lợi nhuận sau thuế / Vốn chủ sở hữu bình quân

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu = Vòng quay vốn kinh doanh x Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu x 1 / (1 – Hệ số nợ)

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu ROE

g/ Tỷ lệ thu nhập vốn cổ phần thường

Vốn cổ phần thường là phần vốn do các cổ đông thường nắm giữ và được xác định bằng chênh lệch giữa vốn cổ phần với vốn cổ phần ưu đãi.

Tỷ lệ sinh lời vốn cổ phần = (Lợi nhuận sau thuế - Lợi tức cổ phần ưu đãi) / Vốn cổ phần thường bình quân

h/ Thu nhập một cổ phần thường

Chỉ tiêu được các nhà đầu tư quan tâm vì đây là căn cứ để chi trả cổ tức và là căn cứ đối với sự tăng lên của giá trị cổ phần thường.

Thu nhập một cổ phần thường = Thu nhập của cổ phần thường / Số lượng cổ phần thường đang lưu hành (bình quân)

i/ Tỷ lệ chi trả cổ tức

Lợi nhuận mong đợi của các nhà đầu không phải chỉ là cổ tức được chia. Nhiều nhà đầu tư không có nhu cầu thu hồi cổ tức mà muốn giữ lại tại công ty để tái đầu tư nhằm hưởng tỷ lệ sinh lời của vốn cổ phần thường.

Cũng có những nhà đầu tư muốn có một nguồn thu nhập thông qua sự chi trả cổ tức. Tỷ lệ chi trả cổ tức cho biết công ty quyết định dành ra bao nhiêu % thu nhập mỗi cổ phần thường để trả cổ ức, qua đó biết được công ty quyết định dành bao nhiêu % thu nhập mỗi cổ phần thường để tái đầu tư.

Tỷ lệ chi trả cổ tức cổ phần thường = Cổ tức mỗi cổ phần thường / Thu nhập mỗi cỗ phần thường

k/ Tỷ lệ sinh lãi cổ phần theo giá trị thị trường

Tỷ lệ lãi cổ phần theo giá trị thị trường = Lợi tức một cổ phần thường / Giá trị thị trường một cổ phần thường

m/ Tỷ lệ giá thị trường trên thu nhập

Mối quan hệ giữa giá trị thị trường và thu nhập hiện hành của một cổ phần được gọi là tỷ lệ giá trị thị trường trên thu nhập.

Tỷ lệ giá trị thị trường trên thu nhập (P/E) = Giá trị thị trường một cổ phần thường / Thu nhập một cổ phần thường

n/ Giá trị ghi sổ của cổ phần thường

Chỉ tiêu sử dụng để đánh giá quá trình sinh lợi của cổ đông có cổ phiếu thường là giá trị cổ phần được tính theo giá trị ghi sổ.

Giá trị ghi sổ một cổ phần thường = Giá trị tài sản thuần / Số lượng cổ phần thường đang lưu hành

Khi tiến hành phân tích báo cáo tài chính công ty cần phải rất thận trọng với những gì có được thông qua các tỷ số tài chính. Các kết quả tính được ở phần trên ít khi cho chúng ta thấy được những câu trả lời mà thay vào đó là những câu hỏi đúng.

Thôngt in có giá trị nhất đối với các nhà đầu tư tài chính là những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Các tỷ số tài chính sẽ là thứ dẫn đường cho nhà đầu tư nhận định về xu hướng phát triển trong tương lai của công ty.

  • Các lỗi về hóa đơn và mức xử phạt mới nhất kể từ năm 2022

    Các lỗi về hóa đơn và mức xử phạt mới nhất kể từ năm 2022

  • Những lợi ích bất ngờ của đào tạo trực tuyến

    Những lợi ích bất ngờ của đào tạo trực tuyến

  • 18 trang web tra cứu thông tin dân kinh tế cần phải biết

    18 trang web tra cứu thông tin dân kinh tế cần phải biết

  • 3 điều để cuộc sống trở nên viên mãn

    3 điều để cuộc sống trở nên viên mãn

  • Lợi ích của đào tạo Inhouse tới doanh nghiệp

    Lợi ích của đào tạo Inhouse tới doanh nghiệp

  • Những câu nói hay, truyền cảm hứng cho bạn

    Những câu nói hay, truyền cảm hứng cho bạn

  • Netflix chuẩn bị cho chạy quảng cáo trên nền tảng

    Netflix chuẩn bị cho chạy quảng cáo trên nền tảng

  • Bí quyết tăng hiệu quả quản lý tài chính doanh nghiệp trong thời kỳ biến động

    Bí quyết tăng hiệu quả quản lý tài chính doanh nghiệp trong thời kỳ biến động