Quản trị tài chính doanh nghiệp bao gồm các hoạt động của nhà quản trị liên quan đến việc đầu tư, mua sắm, tài trợ và quản lý tài sản của doanh nghiệp. Vậy quản trị tài chính doanh nghiệp là gì?
Quản trị tài chính doanh nghiệp là gì?
Quản trị tài chính doanh nghiệp là gì?
Quản trị tài chính doanh nghiệp là việc lựa chọn, đưa ra quyết định và tổ chức thực hiện các quyết định tài chính nhằm đạt được các mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp.
Các giám đốc tài chính sẽ tư vấn giúp các nhà quản trị đưa ra 3 quyết định chính bao gồm: Quyết định đầu tư, Quyết định huy động vốn và Quyết định phân phối lợi nhuận sao cho có lợi nhất cho chủ doanh nghiệp.
Các công việc trong quản trị tài chính doanh nghiệp
1. Tham gia vào việc đánh giá và lựa chọn quyết định đầu tư
Đánh giá và lựa chọn quyết định đầu tư hợp lý
Triển vọng của một doanh nghiệp trong tương lai phụ thuộc rất lớn vào quyết định đầu tư dài hạn với quy mô lớn như các quyết định đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh và sản xuất sản phẩm mới.
Để đi tới các quyết định đầu tư, các doanh nghiệp cần xem xét và cân nhắc trên nhiều mặt từ kinh tế, kỹ thuật tới tài chính. Trong đó, về mặt tài chính cần xem xét các khoản chi tiêu vốn cho đầu tư và dự tính thu nhập do đầu tư mang lại.
Nói cách khác chính là xem xét dòng tiền ra và dòng tiền vào liên quan đến khoản đầu tư để đánh giá cơ hội đầu tư về mặt tài chính. Đó là quá trình hoạch định dự toán vốn đầu tư và đánh giá hiệu quả tài chính của việc đầu tư.
2. Xác định nhu cầu vốn và tổ chức huy động vốn đáp ứng kịp thời, đủ nhu cầu vốn cho các hoạt động của doanh nghiệp
Xác định nhu cầu vốn đầu tư
Toàn bộ các hoạt động của doanh nghiệp đều đòi hỏi cần có vốn. Nhà quản trị tài chính cần phải xác định các nhu cầu vốn cần thiết cho các hoạt động của doanh nghiệp ở trong kỳ (bao gồm vốn dài hạn và vốn ngắn hạn).
Tiếp theo phải tổ chức huy động các nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ và có lợi cho các hoạt động của doanh nghiệp. Để đi đến quyết định lựa chọn hình thức và phương pháp huy động vốn thích hợp cần xem xét cân nhắc trên nhiều mặt như: Kết cấu nguồn vốn, những điểm lợi của từng hình thức huy động vốn, chi phí cho việc sử dụng mỗi nguồn vốn.
3. Sử dụng có hiệu quả số vốn hiện có, quản lý chặt chẽ các khoản thu, chi và đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Nhà quản trị tài chính phải tìm mọi biện pháp huy động tối đa số vốn hiện có của doanh nghiệp vào hoạt đông kinh doanh, giải phóng kịp thời số vốn bị ứ đọng, theo dõi chặt chẽ và thực hiện tốt việc thanh toán, thu hồi tiền bán hàng và các khoản thu khác.
Đồng thời quản lý chặt chẽ mọi khoản chi phí phát sinh tỏng quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Thường xuyên tìm biện pháp thiết lập sự cân bằng giữa thu và chi vốn bằng tiền. Đảm bảo cho doanh nghiệp luôn có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
4. Thực hiện phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ của doanh nghiệp
Phân phối lợi nhuận và sử dụng các quỹ doanh nghiệp
Thực hiện phân phối lợi nhuận hợp lý sau thuế cũng như trích lập và sử dụng tốt các quỹ của doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển của doanh nghiệp, giúp cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động trong doanh nghiệp, giải quyết hài hòa giữa lợi ích của chủ sở hữu với lợi ích lâu dài và sự phát triển của doanh nghiệp.
5. Kiểm soát thường xuyên tình hình hoạt động của doanh nghiệp
Thông qua tình hình thu, chi tiền tệ hàng ngày, các báo cáo tài chính, tình hình thực hiện các chỉ tiêu tài chính cho phép kiểm soát được tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Mặt khác, thông qua việc định kỳ tiến hành phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp để đánh giá được hiệu quả sử dụng vốn, những điểm mạnh và điểm yếu trong công tác quản lý, dự báo trước tình hình tài chính của doanh nghiệp, từ đó giúp cho các nhà lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp kịp thời đưa ra các quyết định thích hợp điều chỉnh hoạt động kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp trong thời kỳ tới.
6. Thực hiện kế hoạch hóa tài chính
Các hoạt động tài chính của doanh nghiệp cần được dự báo trước thông qua việc lập kế hoạch tài chính, có kế hoạch tài chính tốt thì doanh nghiệp mới có thể đưa ra các quyết định tài chính thích hợp nhằm đạt tới các mục tiêu của doanh nghiệp.
Quá trình thực hiện kế hoạch tài chính cũng là quá trình chủ động đưa ra các giải pháp hữu hiệu khi thị trường có sự biến động.
Quản trị tài chính doanh nghiệp là một bộ phận quan trọng hàng đầu của quản trị doanh nghiệp. Nó có quan hệ chặt chẽ và ảnh hưởng tới tất cả các hoạt động của doanh nghiệp