Hiệu quả kinh doanh là gì? Tại sao phải phân tích hiệu quả kinh doanh? Cùng tìm hiểu định nghĩa về hiệu quả kinh doanh và ý nghĩa việc phân tích hiệu quả kinh doanh.
Hiệu quả kinh doanh là gì?
Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thực chất chính là một chỉ tiêu kinh tế được tổng hợp lại nhằm phản ánh trình độ sử dụng các yếu tố của quá trình sản xuất.
Hiệu quả kinh doanh còn thể hiện sự vận dụng khéo léo của các nhà quản trị doanh nghiệp giữa lý luận và thực tế nhằm khai thác tối đa các yếu tố của quá trình sản xuất như máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nhân công để nâng cao lợi nhuận.
Vậy chúng ta có thể đúc kết được rằng:
Hiệu quả kinh doanh là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh trình độ sử dụng các nguồn vật lực, tài chính của doanh nghiệp để đạt hiệu quả cao nhất.
Tìm hiểu về: Kế hoạch kinh doanh online hoàn hảo không thể bỏ qua
Bản chất của hiệu quả kinh doanh
Một bản đánh giá khái quát về kết quả kinh doanh
Trong doanh nghiệp, mọi hoạt động của tổ chức đều nhằm mục đích đạt được hiệu quả cao nhất trên mọi phương diện kinh tế, xã hội…
Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp chủ yếu xét trên phương diện kinh tế có quan hệ với hiệu quả xã hội và môi trường.
Thực chất, hiệu quả kinh doanh là sự so sánh giữa các kết quả đầu ra với các yếu tố đầu vào của một tổ chức kinh tế được xét trong một kỳ nhất định, tùy theo yêu cầu của các nhà quản trị kinh doanh ngoại trừ các
Các chỉ tiêu tài chính phản ánh hiệu quả kinh doanh là cơ sở khoa học để đánh giá trình độ của các nhà quản lý, căn cứ đưa ra quyết định trong tương lai. Tuy nhiên độ chính xác của thông tin từ các chỉ tiêu hiệu quả phân tích lại phụ thuộc vào nguồn số liệu, thời gian và không gian phân tích.
Hiệu quả kinh doanh có thể được khái quát bằng công thức:
(1) Hiệu quả kinh doanh = Kết quả đầu ra / Yếu tố đầu vào
Hoặc
(2) Hiệu quả kinh doanh = Yếu tố đầu vào / Kết quả đầu ra
Kết quả đầu ra và yếu tố đầu vào có thể đo bằng thước đo hiện vật, thước đo giá trị tùy theo mục đích của việc phân tích.
- Dựa vào Báo cáo kết quả kinh doanh, các chỉ tiêu kết quả đầu ra bao gồm: Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Dựa vào Bảng cân đối kế toán, các chỉ tiêu yếu tố đầu vào bao gồm: Tổng tài sản bình quân, tổng nguồn vốn chủ sở hữu bình quân, tổng tài sản dài hạn bình quân, tổng tài sản ngắn hạn bình quân. Hoặc các chi phí, giá vốn hàng bán, chi phí hoạt động trên báo cáo kết quả kinh doanh…
Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh thường thể hiện một kỳ phân tích, do vậy số liệu dùng để phân tích các chỉ tiêu này cũng là kết quả của một kỳ phân tích. Nhưng tùy theo mục tiêu của việc hân tích và nguồn số liệu sẵn có, khi phân tích có thể tổng hợp các số liệu từ thông tin kế toán tài chính và kế toán quản trị, khi đó các chỉ tiêu phân tích mới đảm bảo chính xác và có ý nghĩa.
Để đánh giá chính xác, các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh cần được xem xét trong mối quan hệ với hiệu quả xã hội và quan điểm về hiệu quả.
Phân tích hiệu quả kinh doanh và ý nghĩa
Ý nghĩa của phân tích hiệu quả kinh doanh là gì?
Phân tích hiệu quả kinh doanh
Nâng cao hiệu quả kinh doanh là một trong những biện pháp cực kỳ quan trọng của các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng cao một cách bền vững. Do vậy à việc phân tích hiệu quả kinh doanh là một nội dung cơ bản của phân tích tài chính nhằm góp phần cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển không ngừng.
Mặt khác, hiệu quả kinh doanh còn là chỉ tiêu đánh giá kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần tăng thêm sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên thị trường.
Ý nghĩa của phân tích hiệu quả kinh doanh
Thông tin từ các chỉ tiêu phân tích hiệu quả kinh doanh cung cấp cho mọi đối tượng quan tâm để có cơ sở khoa học đưa ra các quyết định hữu ích cho các đối tượng khác nhau. Các đối tượng đó bao gồm:
- Ý nghĩa đối với nhà quản trị doanh nghiệp (giám đốc, chủ tịch đội đồng quản trị và trưởng các bộ phận): Thu nhận các thông tin từ việc phân tích để đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản, nguồn vốn, chi phí, từ đó phát huy những mặt tích cực và đưa ra các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các yếu tố sản xuất để khai thác tiềm năng sử dụng của từng yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho doanh nghiệp.
- Ý nghĩa đối với các nhà đầu tư (cổ đông, các công ty liên doanh): Thông qua các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn, lợi nhuận, cổ tức… để tiếp thêm sức mạnh đưa ra các quyết định đầu tư thêm, hay rút vốn nhằm thu lợi nhuận cao nhất và đảm bảo an toàn cho vốn đầu tư.
- Ý nghĩa đối với các đối tượng cho vay (ngân hàng, kho bạc, công ty tài chính): Thông qua các chỉ tiêu phân tích hiệu quả kinh doanh để có cơ sở khoa học đưa ra các quyết định cho vay ngắn hạn, dài hạn, nhiều hay ít vốn nhằm thu hồi được vốn và lãi, đảm bảo an toàn cho các công ty cho vay.
- Với các cơ quan chức năng của Nhà nước (cơ quan thuế, kiểm toán nhà nước, cơ quan thống kê): Thông qua các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn ngân sách để kiểm tra tình hình thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với ngân sách Nhà nước, thực hiện luật kinh doanh, các chế độ tài chính có đúng không, đánh giá tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp... Thông qua phân tích để kiến nghị với các cơ quan chức năng góp phần hoàn thiện chế độ tài chính nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển.
Thông tin phân tích hiệu quả kinh doanh còn cung cấp cho cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp nắm được thực chất hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai, từ đó họ có thể an tâm công tác và dốc sức tâm huyết với nghề nghiệp.
Tóm lại, thông tin phân tích hiệu quả kinh doanh rất hữu ích với nhiều đối tượng khác nhau, từ đó đưa ra các quyết định kinh doanh có lợi cho từng đối tượng.