Cân bằng giữa kiểm soát nội bộ và hiệu quả hoạt động sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, đạt được mục tiêu hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Kiểm soát nội bộ là gì?
Kiểm soát nội bộ là gì?
Kiểm soát nội bộ là những phương pháp và chính sách được thiết kế để ngăn chặn gian lận, giảm thiểu sai sót, khuyến khích hiệu quả hoạt động, và nhằm đạt được sự tuân thủ các chính sách và quy trình được thiết lập.
Kiểm soát nội bộ là một công cụ được sử dụng để quản trị doanh nghiệp. Trong đó kiểm soát nội bộ theo COSO được sử dụng làm kim chỉ nam cho một hệ thống kiếm soát nội bộ hiệu quả.
Kiểm soát nội bộ theo COSO là gì?
COSO ( Viết tắt của Committee Of Sponsoring Organization) là ủy ban chống gian lận về báo cáo tài chính thuộc Hội đồng Quốc gia Hoa kỳ. COSO được thành lập nhằm nghiên cứu về kiểm soát nội bộ, cụ thể là:
- Thống nhất định nghĩa về kiểm soát nội bộ để phục vụ nhu cầu của các đối tượng khác nhau.
- Công bố đầy đủ một hệ thống tiêu chuẩn để giúp các đơn vị có thể đánh giá hệ thống kiểm soát của họ và tìm giải pháp để hoàn thiện.
Báo cáo của COSO được công bố dưới tiêu đề: Kiểm soát nội bộ - Khuôn khổ hợp nhất (Internal Control – Intergrated Framework).
Báo cáo của COSO
Kiểm soát nội bộ theo COSO 2013 được phát triển và khuyên dùng rộng rãi cho các công ty và kiếm toán độc lập của họ, cho SEC – Ủy ban chứng khoán Mỹ, các chủ điều hành doanh nghiệp và cho ngành giáo dục.
Theo COSO 2013, kiểm soát nội bộ là quá trình do người quản lý, hội đồng quản trị (HĐQT) và các nhân viên của đơn vị chi phối, nó được thiết lập để cung cấp một sự đảm bảo hợp lý nhằm thực hiện các mục tiêu dưới đây:
- Đảm bảo sự tin cậy của báo cáo tài chính (BCTC);
- Đảm bảo sự tuân thủ các quy định và luật pháp;
- Đảm bảo các hoạt động được thực hiện hiệu quả.
Kiểm soát nội bộ bao gồm 5 thành phần: môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, hoạt động kiểm soát, thông tin và truyền thông, giám sát.
Hiệu quả hoạt động được đánh giá đo lường như thế nào?
Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được đánh giá và đo lường dựa trên nhiều quan điểm khác nhau. Hệ thống các chỉ tiêu về lợi nhuận được xem là một cách đánh giá hiệu quả hoạt động. Cụ thể như: Hiệu quả hoạt động của DN được đo lường thông qua lợi nhuận, doanh thu, tỷ số tài chính, ROI, ROA thông qua nghiên cứu của Kenyon và Tilton (2006), Mawanda (2008), Nyakundi cùng các cộng sự (2014), Zipporah (2015).
Whittington và Kurt (2001) cho rằng, hiệu quả hoạt động có thể xác định thông qua các chỉ số: Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Hay trong nghiên cứu của mình, Hult và cộng sự (2008) đã chỉ ra hiệu quả hoạt động của DN là thuật ngữ tổng hợp, có thể đo lường thông qua: hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh doanh và hiệu quả tổng hợp.
Hiệu quả tài chính có thể đo lường thông qua các chỉ tiêu về lợi nhuận (ROA, ROI, ROE, ROS) hay lợi nhuận. Hiệu quả kinh doanh được đo lường thông qua các chỉ tiêu như thị phần, năng suất lao động, chất lượng hàng hóa /dịch vụ, mức độ thỏa mãn công việc của người lao động.
Kiểm soát nội bộ và hiệu quả hoạt động có liên hệ ra sao?
Đã có khá nhiều chứng minh trên thế giới rằng kiểm soát nội bộ không kìm hãm hiệu quả hoạt động. Đây là mối quan hệ thuận chiều. Kiểm soát nội bộ hiệu quả giúp đơn vị đạt được các mục tiêu về hiệu quả hoạt động theo nhiều nghiên cứu.
Kiểm soát nội bộ tốt giúp tăng hiệu quả hoạt động
Ví dụ như: Nghiên cứu của vai trò của kiểm soát nội bộ của tác giả Salehi, Mahdi; Shiri, Mahmoud Mousavi; Ehsanpour, Fatemeh (2013) khi thực hiện khảo sát tại các ngân hàng tại Iran đã chỉ ra tính quan trọng và sự hiệu quả cho tổ chức. Bằng cách tham chiếu Ngân hàng Mellat chỉ ra rằng môi trường kiểm soát, quá trình đánh giá rủi ro và hoạt động kiểm soát kém hiệu quả làm nảy sinh nhiều hành vi gian lận và sai sót trong hoạt động ngân hàng. Do đó, kiểm soát nội bộ tốt sẽ ngăn chặn tỷ lệ gian lận và sai sót, đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Tác giả Wang, Jun (2015) thực hiện nghiên cứu thông qua phân tích dữ liệu từ các công ty niêm yết tại Trung Quốc khẳng định rằng việc thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ tốt sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động. Và đồng thời khi công ty đang ở trong trạng thái tăng trưởng, cải thiện kiểm soát nội bộ sẽ cho phép đạt được các kết quả hoạt động kinh doanh tốt hơn.
Tác giả Mawanda (2008) khi thực hiện nghiên cứu để kiểm tra những ảnh hưởng của KSNB đối với hoạt động tài chính tại các trường đại học ở Uganda đã chứng minh rằng có mối quan hệ giữa KSNB và hoạt động tài chính của DN.
Hay trong một nghiên cứu của mình, nhóm tác giả William & Kwasi (2013) khi xem xét về tính hiệu quả của hệ thống KSNB ở các ngân hàng khu vực phía đông của Ghana đã đưa ra kết luận rằng: Hệ thống KSNB hỗ trợ nhà quản lý trong việc đạt được các mục tiêu của DN mình.
Trên đây là phân tích cho thấy kiểm soát nội bộ có mối quan hệ thuận chiều với hiệu quả hoạt động. Việc xây dựng một hệ thống kiểm soát nội bộ hữu hiệu sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.