Để đưa ra chiến lược định giá hiệu quả sẽ giúp xác định mức giá tại đó tối đa hóa lợi nhuận trong việc bán sản phẩm hoặc dịch vụ. Khi thiết lập giá doanh nghiệp cần xem xét các yếu tố dựa trên sản phẩm, dịch vụ đối thủ, vị trí chiến lược, cơ sở mục tiêu khách hàng của doanh nghiệp. Việc tận dụng chiến lược định giá phù hợp sẽ là bí quyết mang lại doanh thu như mong đợi. Hãy cùng tìm hiểu về một số chiến lược định giá phổ biến qua bài viết dưới đây.
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
1. Định giá Premium (Premium Pricing)
Với cách định giá Premium, doanh nghiệp sẽ đặt giá cao hơn đối thủ cạnh tranh của họ. Cách định giá Premium thường hiệu quả nhất trong những ngày đầu của 1 chu kỳ sản phẩm, và ngoài ra, cách định giá này khá lý tưởng cho 1 doanh nghiệp nhỏ có mong muốn bán những mặt hàng độc nhất. Bởi vì khách hàng cần cảm thấy mình nhận được sản phẩm có giá trị ngang với mức giá, doanh nghiệp phải làm việc hết sức để đưa ra nhận thức về giá trị của sản phẩm với họ. Cùng với việc tạo ra sản phẩm chất lượng cao, chủ sở hữu nên đảm bảo nỗ lực Marketing của họ, bao bì của sản phẩm, những giá trị gia tăng, dịch vụ khách hàng… đó là những yếu tố cần thiết cho những sản phẩm ở mức giá Premium.
2. Định giá thâm nhập thị trường (Pricing for Market Penetration)
Chiến lược thâm nhập thị trường thường sẽ thu hút người mua bằng cách chào bán hàng hóa và dịch vụ giá rẻ hơn so với mặt bằng thị trường. Trong khi nhiều công ty mới sử dụng cách thức này để lôi kéo sự chú ý của khách hàng, giá thâm nhập thị trường có xu hướng dẫn đến việc lỗ vốn khởi đầu của doanh nghiệp. Dần dần, tiếng tăm của doanh nghiệp trên thương trường có thể đem lại lãi và làm cho thương hiệu nổi bật giữa ngành hàng. Thường sau một khoảng thời gian dài, sau khi đã thâm nhập thị trường ở mức nhất định, các công ty thường bắt đầu nâng giá để phản ánh tốt hơn vị thế của mình trong thị trường và mang lại lãi suất.
3. Định giá tiết kiệm (Economy Pricing)
Cách định giá này được sử dụng rất rộng rãi từ những nhà doanh nghiệp cung cấp thực phẩm đến những nhà phân phối bán lẻ. Với chiến lược này, doanh nghiệp cắt giảm tối thiểu tất cả các chi phí liên quan đến Marketing và sản xuất để ngắm vào những khách hàng “ham giá rẻ”. Kết quả là, những vị khách hàng này sẽ mua mặt hàng mà họ cần trong khi không cần xem xét quá kỹ lưỡng.
Trong khi chiến lược định giá tiết kiệm vô cùng hiệu quả đối với những công ty lớn như Wal-Mart hay Target. Doanh nghiệp nhỏ có thể gặp không ít khó khăn nếu áp dụng chiến lược này bởi vì nguồn thu của họ rất hạn chế nên việc cho giá quá thấp là điều không thể. Tuy nhiên, nếu một doanh nghiệp nhỏ có thể giảm giá cho những khách hàng thân thiết thì đó có thể là một chiến lược tuyệt vời.
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
4. Định giá hớt váng (Price Skimming)
Giá hớt váng là cách các doanh nghiệp dùng để có thể tối đa hóa doanh số cho hàng hóa và dịch vụ. Ở mức ban đầu, các doanh nghiệp thường đặt giá ở mức cao và sau đó, họ hạ thấp giá hơn so với hàng hóa của đối thủ trên thị trường. Một trong những lợi ích của chiến lược giá hớt váng là nó cho phép doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận ban đầu với những khách hàng dễ dàng chấp nhận giá và sau đó là giảm giá dần dần để thu hút những khách hàng “ham giá rẻ”. Chiến lược này không những giúp doanh nghiệp chi trả được phần nào những chi phí phát triển sản phẩm ban đầu mà còn tạo ra một ảo giác về chất lượng và sự độc quyền khi hàng lần đầu tiên ra mắt trên thị trường.
5. Định giá theo tâm lý (Psychology Pricing)
Chiến lược định giá theo tâm lý của khách hàng được coi như một hình thức “ảo thuật”, các Marketers dùng chiến lược này để đánh vào mặt cảm xúc của khách hàng hơn là về mặt logic.Ví dụ, thiết lập giá của 1 chiếc đồng hồ đeo tay là $199 chứng minh việc thu hút nhiều người tiêu dùng hơn là thiết lập giá là $200, thậm chí sự khác biệt thật sự ở đây là rất nhỏ. Sự giải thích cho điều này khá đơn giản, bởi vì phần lớn tâm lý khách hàng sẽ dựa vào những con số đầu tiên của giá để đi đến quyết định mua hàng. Mục tiêu của định giá theo tâm lý là để tăng thêm nhu cầu bằng cách tạo ra một ảo giác về giá trị gia tăng cho người tiêu dùng.
6. Định giá theo gói (Bundle Pricing)
Với chiến lược định giá theo gói, doanh nghiệp sẽ đưa ra giá của sản phẩm thấp hơn khi khách hàng mua nhiều sản phẩm cùng một lúc. Việc định giá hàng theo gói sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp xả được đống hàng tồn kho mà sẽ cho khách hàng một cảm giác họ được nhận rất nhiều vì doanh nghiệp đang cho họ những giá trị lớn. Định giá theo gói sẽ vô cùng hiệu quả cho các công ty có hàng đi kèm. Ví dụ, những sản phẩm như sữa cho trẻ em, nếu mua theo bịch hoặc theo thùng sẽ được hưởng ưu đãi giá và những giá trị gia tăng khác như đồ chơi, hoặc bình uống nước… Nhưng theo đó, doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm đến việc mình đang chi trả bao nhiêu cho chiến lược này và so với doanh thu mình đang lãi hay lỗ.
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Trên đây là những chiến lược quan trọng trong việc định giá của mỗi doanh nghiệp, hi vọng rằng bài viết trên cung cấp đầy đủ thông tin hữu ích đối với các bạn!