Đối với một kế toán viên, lập báo cáo tài chính là công việc đặc biệt quan trọng vì nó là cơ sở để các nhà lãnh đạo đưa ra quyết định về tài chính trong tương lai. Theo thông tư 133/2016/TT-BTC thì mọi doanh nghiệp đều phải tuân thủ theo chuẩn mực kế toán hiện hành. Một báo cáo tài chính đúng chuẩn gồm các biểu mẫu sau: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bản thuyết minh báo cáo tài chính.
Hệ thống hoàn chỉnh của một báo cáo tài chính
Dưới đây là những nguyên tắc cơ bản để lập báo cáo tài chính doanh nghiệp quý, năm theo đúng chế độ.
Nguyên tắc nhất quán
Việc trình bày và phân loại các khoản mục trong báo cáo tài chính phải nhất quán qua các niên độ, nghĩa là các chính sách và phương pháp kế toán mà doanh nghiệp đã lựa chọn phải được áp dụng thống nhất ít nhất trong một kì kế toán năm, trừ khi có sự thay đổi đáng kể về bản chất hoạt động của doanh nghiệp.
Lập báo cáo tài chính nhất định phải tuân theo nguyên tắc nhất quán
Nguyên tắc trọng yếu và sự hợp nhất
Thông tin trọng yếu là những thông tin có tính quyết định, liên quan nhiều đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế từng khoản mục trọng yếu phải được trình bày riêng biệt trong bản báo cáo tài chính. Đồng thời, để đơn giản và dễ hiểu, các khoản mục không trọng yếu còn lại phải được tập hợp theo tính chất nhất định và báo cáo dưới dạng tổng quát.
Nguyên tắc kinh doanh liên tục
Khi lập báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải đánh giá khả năng kinh doanh liên tục và tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần. Tuy nhiên khi nhận biết được dấu hiệu của sự phá sản, giải thể hay sự giảm xuống đáng kể trong quy mô sản xuất thì báo cáo tài chính phải diễn giải cụ thể, rành mạch các trường hợp xấu đó.
Báo cáo tài chính – công việc quan trọng đòi hỏi tính chính xác cao
Nguyên tắc bù trừ
Nguyên tắc này đòi hỏi khi ghi nhận các giao dịch kinh tế và các sự kiện để lập báo cáo tài chính, doanh nghiệp không được phép bù trừ tài sản và nợ phải trả, vì thế doanh nghiệp phải trình bày riêng biệt tất cả các khoản mục tài sản và công nợ trên báo cáo tài chính. Một số giao dịch ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường của doanh nghiệp thì được bù trừ khi nhận giao dịch và trình bày báo cáo tài chính.
Nguyên tắc cơ sở dồn tích
Nguyên tắc này đòi hỏi doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính theo cơ sở kế toán dồn tích (trừ báo cáo lưu chuyển tiền tệ). Mọi giao dịch liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu và chi phí được ghi nhận tại thời điểm phát sinh giao dịch, không căn cứ vào thời điểm thực thu, thực chi và được ghi nhận vào sổ kế toán.